'Học giỏi mà vẫn nghèo'

10/09/2024
|
0 lượt xem
Đời Sống Ý Kiến
'Học giỏi mà vẫn nghèo'

"Có một điều mà tôi tin bạn đã biết rồi, là ngoài kia vẫn có nhiều người không học hành tới nơi tới chốn và giờ họ có một cuộc sống chật vật với những công việc vất vả. Học vấn có giúp con người ta thoát nghèo hay không?

Có chứ, vì học vấn trang bị cho ta những kiến thức cơ bản và cần thiết để tồn tại trong xã hội. Đâu phải ngẫu nhiên mà trước giờ bất kỳ bậc cha mẹ nào, từ những đại gia giàu có cho đến những người lao động chạy ăn từng bữa, đều mong muốn con cái mình có thể tiếp cận việc học.

Còn về việc vì sao cuộc sống hiện tại của bạn và những người ở quê có sự khác biệt thì bạn phải đối chiếu nhiều vấn đề: điều kiện làm việc, năng lực, tính cách, môi trường của bạn và cả cách bạn tiếp cận với nó. Sự thật là không ai giàu có mà lại thiếu năng lực, kiến thức cả".

Độc giả Nguyễn Minh Đạt đặt câu hỏi và nêu nhận định như trên, gửi đến tác giả bài viết Đậu đại học khiến gia đình tự hào, có bằng đại học làm tôi xấu hổ. Bài viết trước, tác giả chia sẻ rằng việc đậu đại học là niềm hãnh diện duy nhất của gia đình, nhưng sau bao năm đi làm sống chật vật, dần xấu hổ vì điều này.

Cùng chung câu hỏi, độc giả Kiên Cường nói: "Thế bạn không đặt ngược lại, gia đình bạn nghèo, bạn không có bằng đại học, thì bạn có giàu có như con của những người giàu có ở quê không?

Học đại học chỉ là đại cương về nghề nghiệp, chuyên môn, tuổi đời còn rất trẻ, nó chỉ mở ra con đường để mọi người cố gắng tiếp. Còn nếu nghĩ học sinh giỏi 12 năm, học đại học xong là sẽ giàu, thì đó là ảo tưởng".

Sự khác biệt về xuất phát điểm của mỗi người tạo nên những con đường đời khác nhau, và không phải ai cũng có cơ hội ngang bằng để thực hiện những ước mơ của mình, bạn đọc nickname anhdung.game nhận xét:

"Nỗ lực 12 năm đèn sách của bạn mà đòi vượt qua nỗ lực ba đời của nhà người ta. Ba mẹ bạn nỗ lực cả đời để bạn có cơ hội học tri thức, giờ tới phiên bạn nỗ lực cả đời để tạo nền tảng cho con bạn vừa có kiến thức, vừa có vốn liếng để cạnh tranh, để làm giàu.

Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Chỉ cần bạn vượt hơn đời trước là đã thành công rồi. Còn nếu muốn giàu nhanh, phải dám đặt cược nỗ lực của đời trước và của bạn mấy năm nay. Lấy hết tiền tiết kiệm của bạn, của cha mẹ bạn, cắm đất cắm nhà vay ngân hàng kinh doanh. Thắng được thì tốt, thua thì làm lại từ đầu, bạn dám không?".

Độc giả Hoang cho rằng kiến thức từ trường lớp không còn là yếu tố duy nhất quyết định thành công:

"Nếu tiếng Anh của bạn tốt, vậy hãy thử sức với công việc lương cao hơn. Tôi làm trong ngành điện, dầu khí, thấy lương công nhân dao động 20 triệu đồng một tháng, vị trí kỹ sư 30 triệu đồng một tháng. Có vị trí thì cao hơn, mấy đứa em tôi làm trong ngân hàng thì lương cao hơn nhiều.

Tôi xuất thân nghèo, anh em tôi tự tìm việc và tự tìm cơ hội. Có tích lũy bắt đầu với việc đầu tư chứng khoán, đất cát. Cái này phải đọc sách kinh tế, không nên chơi khô máu cờ bạc. Giàu có thì tôi không nói, nhưng để mua được căn nhà nhỏ và xe hơi, thì trong vòng 10 năm, mình bền bỉ sẽ làm được.

Tôi và mấy đứa em đều làm được bằng cách như vậy".

Độc giả nickname generalaccount đúc kết:

"Rất nhiều người vẫn đang ngộ nhận rằng đi học là để học kiến thức rồi sẽ làm việc và sử dụng kiến thức đó. Điều đó không phải lúc nào cũng đúng, nếu không muốn nói là phần lớn là sai.

Quá trình học về bản chất là thông qua chương trình học để giúp bản thân tìm ra được những phương pháp tiếp cận và hấp thụ kiến thức một cách hiệu quả hơn.

Nếu những gì bạn học sau này bạn dùng và phát triển được với nó thì đó là điều may mắn, còn nếu không được như vậy thì những phương pháp đó sẽ là con đường để bạn có thể tìm kiếm được những cơ hội khác.

Nếu trong quá trình học, bạn không tìm ra cho bản thân một phương pháp học, phương pháp tìm hiểu hiệu quả thì coi như bạn chưa học được gì. Học nên là để phát triển tư duy chứ không phải phát triển kiến thức.

Tư duy là của bạn, kiến thức là của người ta và bạn chỉ đang sử dụng những tri thức có sẵn. Các quốc gia phương Tây có lẽ làm điều này tốt hơn khi phần lớn họ không quan trọng điểm số, những hoạt động trong lớp thường với mục đích phát triển tư duy nhiều hơn.

Khi bạn đang có ngộ nhận này, bạn sẽ có suy nghĩ rằng cái bằng đó là sự thành công, nhưng nó chỉ chứng nhận bạn đạt một mức nào đó trong việc hấp thụ kiến thức có sẵn của nhân loại thôi.

Trên mạng, tôi có nghe một câu này: Khi bạn lớn lên đi làm và già hơn, người ta sẽ chẳng quan tâm hồi cấp 3 bạn học trường chuyên, thủ khoa đại học... họ chỉ nhìn vào cái gì bạn đang có ở thời điểm đó thôi".

Hữu Nghị tổng hợp

Tin liên quan
Tin Nổi bật