Kỷ luật và dài hạn - chiến lược 'vượt đáy' cho nhà đầu tư cá nhân

10/09/2024
|
0 lượt xem
Doanh Nghiệp Kinh Doanh
Kỷ luật và dài hạn - chiến lược 'vượt đáy' cho nhà đầu tư cá nhân

Ngày 19/8, VN-Index chốt phiên ở mức 1.261,62 điểm, tăng 9,39 điểm (0,75%) so với phiên trước. Đây cũng là vùng giá cao nhất trong một tháng, kể từ 19/7. Thanh khoản trên sàn HoSE ghi nhận giá trị đạt 16.781 tỷ đồng. Tuy vậy khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 309 tỷ đồng trên toàn thị trường - diễn biến gây e ngại trong suốt 7 tháng đầu năm với tổng mức bán ròng đến nay hơn 60.000 tỷ đồng.

Những biến động của nền kinh tế cùng sự rung lắc trên thị trường khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân băn khoăn, chọn thận trọng quan sát và đứng ngoài thị trường. Trong bối cảnh này, Dragon Capital tổ chức trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư - Investor Day quý II/2024 nhằm điểm lại bức tranh thị trường, cập nhật về những giải pháp phù hợp đa dạng khẩu vị của giới đầu tư.

Kinh tế phục hồi, tỷ giá hạ nhiệt

Trong sự kiện vừa qua, các chuyên gia dành hơn nửa thời gian để phân tích bức tranh kinh tế toàn cầu và trong nước - những yếu tố tác động trực tiếp đến sự tăng trưởng thị trường chứng khoán. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc khối đầu tư cho biết nửa đầu năm GDP tiếp tục đà tăng trưởng, xuất khẩu tăng dần, doanh số bán lẻ duy trì đều đặn. Tăng trưởng tín dụng ổn định, phục hồi đáng kể so với 2023. Chỉ số PMI bật tăng từ cuối quý II/2024 dù năm 2023 ở mức kém và liên tục trồi sụt trong hai quý đầu năm nay. Một điều khá ấn tượng là FDI từ cuối quý I tăng trưởng tốt, không bị ảnh hưởng trước sự biến động chung.

Ngoài những chỉ số nêu trên, ông Lê Anh Tuấn lưu ý giới đầu tư hãy quan tâm đến những chỉ số khác, mà theo ông là thước đo "không thể nói dối" về sức khỏe nền kinh tế. Đầu tiên là tiêu thụ điện - chỉ số phản ánh rất nhiều điều, bao gồm sản xuất, tiêu dùng, du lịch... Năm 2022, con số này giảm mạnh, năm 2023 tăng trưởng âm nhưng đến nay tình hình khả quan hơn, phục hồi 9-11% so với giai đoạn 2018-2019. Tiếp theo là lưu lượng container xuất qua cảng và lưu lượng cảng hàng không, cả hai đều thoát vùng âm để tăng trưởng vượt trội. Ngành xuất khẩu cũng tăng trưởng với nhiều đơn hàng mới.

Biểu đồ tăng trưởng của nhu cầu điện, lưu lượng container, lưu lượng cảng hàng không. Nguồn: Dragon Capital

Bất động sản - một trong những trụ cột của ngành kinh tế Việt dần ấm lên nhưng có sự phân hóa nhất định. Phân khúc chung cư ghi nhận số lượng bán nửa đầu 2024 vượt qua cả năm 2023 nhưng ngược lại nhà phố liền kề tiếp tục trầm lắng. Nhóm ngành du lịch, tiêu dùng thiết yếu cho thấy nhiều mảng sáng khi có sự đảo chiều, dần tăng trưởng trở lại sau vùng đáy 2023.

"Tổng quan nền kinh tế phục hồi khắp các lĩnh vực từ sản xuất đến tiêu dùng, xuất khẩu, bất động sản... Tăng trưởng GDP đang trên đà hướng tới mốc 6,5-6,8%", ông Tuấn kết luận.

Bàn về thị trường chứng khoán, ông nhắc lại ba mệnh đề trong công thức tăng trưởng: nền kinh tế phát triển, sự ổn định vĩ mô, lợi nhuận các tập đoàn đi lên.

Xét tính ổn định, thị trường vàng và USD đã qua giai đoạn đáng lo. Dự báo đến cuối năm, đồng Việt Nam tiếp tục tăng giá về mức 25.000 đồng. Thị trường vàng ảnh hưởng đến ngoại hối vì nếu nhập vàng cần dùng USD, ảnh hưởng đến tỷ giá. Tín hiệu lạc quan là gần đây tỷ giá liên ngân hàng nguội lại, độ lệch giữa tỷ giá ngân hàng và chợ đen cũng hẹp lại. Nhìn chung, tỷ giá có sự ổn định nhất định.

"Lạm phát không đáng lo", ông Tuấn khẳng định. Ông dẫn chứng bằng chỉ số M2, thể hiện tăng trưởng tiền tệ thấp hơn tăng trưởng tín dụng. Khi đó vòng quay của dòng tiền trên cả nền kinh tế yếu hơn, tức là nền kinh tế chạy dưới mức yếu, khó có thể xảy ra trường hợp lạm phát tăng phi mã như các giai đoạn trước.

Về lãi suất, theo Fed Fund Futures - công cụ theo dõi khả năng điều chỉnh lãi suất của Fed, tỷ lệ giảm lãi suất vào tháng 9 là 100% với mức giảm 25 bps. Trong nay năm, có thể có 3 lần Fed cắt lãi suất. Nếu kịch bản này xảy ra, nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều, không bị áp lực mạnh về tăng lãi suất. Kết hợp tỷ giá có sự nguội lại, sẽ có thêm áp lực lên lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn ngắn, tuy nhiên lãi suất cho vay vẫn ở mức thấp.

Dòng vốn ngoại bán ròng giai đoạn 2019-2024. Nguồn: Dragon Capital

Với chứng khoán, từ đầu năm đến nay khối ngoại bán 60.000 tỷ đồng - biến 2024 trở thành năm bán ròng đột biến. Nhưng đáng ngạc nhiên, thị trường vẫn tăng trưởng dương và Việt Nam vẫn trụ hạng là một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất châu Á. Từ thực tế này, ông Tuấn khẳng định: "Mặc dù có ý kiến cho rằng chúng tôi lạc quan về chứng khoán, nhưng sự lạc quan này là có cơ sở".

Ngoài ra, khi xét các thị trường mới nổi, thực trạng dòng vốn ngoại chảy ra không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Điều khiến chúng ta tăng trưởng tốt là định giá tương đối tốt (P/B thấp hơn trung bình lịch sử một độ lệch chuẩn) và sự phục hồi lợi nhuận. Năm 2022-2023 tăng trưởng EPS âm và 2024 là năm đầu tiên sau hai năm thị trường có sự tăng trưởng dương về lợi nhuận trên từng cổ phiếu. Đà dương được kỳ vọng duy trì cho đến năm sau.

Ông Tuấn kỳ vọng rằng khi Việt Nam đạt thêm hai tiêu chí "Thanh toán - chi phí liên quan đến giao dịch thất bại" và "Chu kỳ thanh toán (DvP)" để tiến vào thị trường EM thứ cấp, dòng tiền khối ngoại sẽ quay trở lại.

Tựu chung, triển vọng cho giai đoạn nửa cuối năm đến từ môi trường vĩ mô và tăng trưởng. Yếu tố tăng trưởng cần nhìn ở hai góc độ: doanh thu (9-12%) và lợi nhuận sau thuế (16-18%).

Chiến lược hiệu quả cho nhà đầu tư cá nhân

"Tâm lý nhà đầu tư" là chủ đề mà các chuyên gia Dragon Capital cực kỳ quan tâm, bởi tâm lý quyết định hành động, tức ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

Ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn - Giám đốc Nghiệp vụ cấp cao lĩnh vực chứng khoán, cho biết có hai phong cách thường gặp trong đầu tư: một là mua đều đặn, định kỳ, nắm giữ và hai là cố dự đoán thị trường tăng hay giảm để tối ưu lợi nhuận. Tuy đều là tâm lý chính đáng nhưng sự khác biệt lại khá rõ ràng.

Để minh chứng, ông Tuấn dẫn ra hai thống kê. Đầu tiên là hai người cùng mua DCDS từ 2023 đến nay. Nếu mua và bán theo VN-Index mỗi khi biến động mạnh, lợi nhuận bình quân sau thuế là 29,5%. Ngược lại, người mua đều đặn và nắm giữ có mức tỷ suất lợi nhuận đến 39,2% - tức mức chênh lệch gần 10% trong 18 tháng. Chưa kể nếu tự mua, bạn cần bỏ thêm nhiều công sức, thời gian nghiên cứu, giao dịch nhiều cũng tốn phí.

Ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn tại phiên chia sẻ chiến lược cho nhà đầu tư cá nhân. Ảnh: Dragon Capital

Thống kê thứ hai, giả định có hai nhà đầu tư: nhà đầu tư tiên tri và nhà đầu tư kỷ luật. Tiên tri là người luôn biết VN-Index tăng hay giảm để mua vào, tránh các đợt điều chỉnh. Kỷ luật là nhà đầu tư đều đặn, bất chấp thị trường lên xuống. "Mức chênh lệch sẽ là bao nhiêu?", ông đặt câu hỏi với khán phòng. Nhiều câu trả lời hô vang là 10%. Tuy vậy kết quả khiến mọi người bất ngờ: tỷ suất sinh lời (IRR) của nhà đầu tư kỷ luật ở mức 14,8%/năm còn tiên tri là 15,4%/năm, tức hiệu quả chỉ hơn 0,6%.

"Kể cả khi biết được tương lai, mức cải thiện IRR vẫn rất khiêm tốn. Trong thực tế, việc dự báo đúng thị trường 100% là không thể, kể cả với chuyên gia hàng đầu", ông Khoa Tuấn nhận định.

Từ những thống kê này, ông đưa ra lời khuyên: không ai có thể làm một nhà đầu tư tiên tri nhưng có thể là nhà đầu tư kỷ luật. Chính sự đều đặn mới là chìa khóa dẫn tới thành công chứ không phải dự đoán thị trường lên hay xuống. Nếu đầu tư kỷ luật, mọi người còn có thể thoát khỏi chu kỳ tâm lý: mua thêm lúc thị trường đạt đỉnh ngắn hạn rồi hoảng loạn bán đi khi vào vùng đáy rồi lại mua vào khi thấy đà phục hồi, càng giao dịch hiệu quả càng âm.

"Kỷ luật đầu tư thay vì timing (canh thời điểm thị trường), cố mua đáy bán đỉnh", ông Tuấn nhấn mạnh.

Đồng tình, bà Lương Mỹ Hạnh khẳng định yếu tố dài hạn vô cùng quan trọng. Có thể hình dung qua việc khi sinh con, mỗi tháng để dành 5 triệu đồng, đưa vào một quỹ có tỷ suất sinh lời 15% (ví dụ DCDS), liên tục trong 18 năm. Ở 9 năm đầu tiên, gia đình có 1 tỷ đồng nhưng sau 18 năm là 5 tỷ đồng. Nếu tiếp tục đầu tư đến 22 tuổi thì sẽ có hơn 8 tỷ.

Một lời khuyên khác của ông Khoa Tuấn là việc chọn quỹ rất quan trọng. Hiện Dragon Capital cung cấp rổ sản phẩm đa dạng với nhiều loại hình: quỹ mở (DCDS, DCDE, DCIP, DCBF), ETF, ủy thác đầu tư, hưu trí. Các sản phẩm đáp ứng đa dạng nhu cầu, từ giao dịch hàng ngày đến đầu tư dài hạn, tích lũy tài sản và cả nghỉ hưu. Hiện nay, các quỹ mở có tổng giá trị tài sản đều trên 1.000 tỷ đồng, trừ DCDE. Điểm đặc biệt, khi chuyển đổi giữa các quỹ mở trong hệ sinh thái mà Dragon Capital đặt tên là "Giải pháp Đầu tư Rồng", người dùng sẽ không mất phí. Điều này giúp mỗi người dễ dàng có lựa chọn phù hợp theo từng giai đoạn khi họ thay đổi kỳ vọng, mục tiêu, khẩu vị rủi ro để chuyển dịch tài sản.

Ông Khoa Tuấn cũng gợi ý bên cạnh việc đầu tư đều đặn, người người có thể mua thêm khi thị trường sụt giảm từ các đỉnh gần nhất của VN-Index để tăng tỷ suất lợi nhuận. Tuy vậy điều này có nghĩa số tiền bỏ vào lớn hơn kế hoạch, đòi hỏi các phương án dự phòng.

"Quan trọng là hãy kiên định và nhớ rằng: càng đơn giản sẽ càng hiệu quả", ông Tuấn nêu.

Các chuyên gia nêu chiến lược cho nhà đầu tư cá nhân tại Investor Day quý II/2024. Ảnh: Dragon Capital

Đưa ra nhận định về 5 năm tới, ông Khoa Tuấn đánh giá các ngành tăng trưởng tốt là công nghệ, sản xuất vật liệu xây dựng, bất động sản. Trong bối cảnh nhiều biến động, Dragon Capital liên tục theo dõi thị trường, xây dựng hệ thống để nhận biết rủi ro, từ đó ra quyết định điều chỉnh danh mục tấn công hay phòng thủ. Ví dụ tại DCDS, khi thấy thị trường rủi ro thì đơn vị gia tăng tiền mặt bằng cách giảm tỷ trọng những cổ phiếu beta mang tính biến động cao. Đặc biệt, đơn vị luôn tìm những cổ phiếu vẫn tăng trưởng tốt lúc thị trường biến động như Vinamilk, Thế giới di động.

Thái Anh

Tin liên quan
Tin Nổi bật