Lưu ý khi cho trẻ đi du lịch

10/09/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Dinh Dưỡng & Vận Động Nhi - Sơ Sinh Sức Khỏe
Lưu ý khi cho trẻ đi du lịch

Do di chuyển nhiều, thay đổi thời tiết khi du lịch, trẻ nhỏ có sức đề kháng kém, dễ nhiễm bệnh. Các bé cũng hiếu động, tò mò, thích khám phá nên có thể xảy ra tai nạn thương tích nếu người lớn lơ là. BS.CKII Dương Thùy Nga, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, gợi ý phụ huynh chăm sóc trẻ đúng cách để có chuyến du lịch an toàn.

Lên lịch trình phù hợp

Gia đình hạn chế cho bé đi chơi xa khi còn quá nhỏ. Độ tuổi phù hợp nhất để trẻ đi du lịch cùng gia đình là khoảng ba tháng tuổi trở lên. Lúc này, bé cứng cáp, chế độ ăn ngủ dần được thiết lập.

Chọn điểm đến phù hợp, không đưa bé đến vùng du lịch hoang sơ, khó đi lại, độ an toàn và an ninh kém. Trẻ nhỏ thể lực kém, không nên di chuyển quá nhiều trong thời gian ngắn. Phụ huynh chú ý giám sát con 24/24h đề phòng hoặc xử trí kịp thời, tránh các tai nạn đuối nước, ngã, bỏng, điện giật, động vật cắn... Gia đình tránh đến những điểm đang có mưa bão, sạt lở, động đất. Để tránh nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm, phụ huynh không nên cho trẻ đến các vùng dịch.

Khám sức khỏe cho trẻ trước khi du lịch để đảm bảo chuyến đi vui vẻ. Nếu bé đang có biểu hiện mắc bệnh hô hấp, tai mũi họng như viêm mũi xoang, viêm họng, viêm tai giữa cần điều trị khỏi khoảng hai tuần mới nên di chuyển bằng máy bay. Nếu đi lại bằng tàu hỏa hoặc ô tô, cha mẹ cần đảm bảo trẻ có đủ chỗ nằm, thoáng khí.

Khi đến các khu du lịch biển hoặc có bể bơi, phụ huynh cần hướng dẫn con trang bị đầy đủ áo phao, kính bơi, nút tai, khởi động kỹ để làm nóng cơ thể trước khi xuống nước. Không nên bơi khi nhiệt độ ngoài trời quá cao (buổi trưa, đầu giờ chiều) hoặc khi nước biển, bể bơi còn lạnh như sáng sớm hoặc trẻ bị viêm tai giữa, cảm lạnh, tiêu chảy...

Gia đình có trẻ nhỏ mắc bệnh hen suyễn cần cân nhắc khi di chuyển đến vùng cao. Địa hình núi cao thường có không khí loãng, về đêm trời trở lạnh, có thể tăng nguy cơ khởi phát đợt cấp của bệnh.

Chuẩn bị sẵn đồ dùng cần thiết

Ngoài tã, bỉm, sữa, xe đẩy, địu, giấy tờ tùy thân như giấy khai sinh nếu đi máy bay, thẻ bảo hiểm y tế, sổ khám bệnh, phụ huynh nên chuẩn bị sẵn khăn giấy ướt cho bé. Nếu đến vùng có khí hậu lạnh, cần mang theo áo khoác, mũ, giày, tất, áo giữ nhiệt, khăn quàng cổ để giữ ấm. Ở những vùng khí hậu nóng thì chuẩn bị trang phục sáng màu, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt, nên mang theo ô, mũ, áo mưa, quạt cầm tay.

Phụ huynh nên chuẩn bị sẵn sữa tắm, dầu gội, khăn tắm, tăm bông cho trẻ. Thoa kem dưỡng ẩm sau khi tắm, bôi kem chống muỗi thường xuyên giúp tránh nguy cơ sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, sốt rét... Kem chống nắng dành riêng cho trẻ cần có độ SPF phù hợp, thoa sau mỗi 4 giờ bé hoạt động ngoài trời.

Trẻ đi máy bay thường dễ bị đau tai, ù tai do áp lực khí. Phụ huynh nên mang theo kẹo dẻo, kẹo mút, núm ti giả để kích thích trẻ nhai, nuốt nhiều giúp giảm triệu chứng khó chịu. Đề phòng lạc bé khi đến những nơi đông người như sân bay, bến tàu xe, trung tâm thương mại bằng cách đeo thiết bị định vị. Gia đình làm thẻ thông tin gồm tên bé, tuổi, tên bố mẹ và số điện thoại... gắn vào balo hoặc cài vào áo.

Giữ vệ sinh cá nhân

Trẻ đeo khẩu trang vừa vặn với khuôn mặt khi ra ngoài. Phụ huynh hướng dẫn con đeo, tháo khẩu trang đúng cách, tránh chạm tay vào mắt mũi miệng, che miệng mũi khi ho hoặc hắt hơi.

Để tránh lây nhiễm bệnh hô hấp hoặc tiêu hóa, cha mẹ nên cho con rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nước sạch trong vòng 15 đến 30 giây, sau đó lau khô bằng khăn dùng một lần. Nước rửa tay chứa cồn tiện dụng, tuy nhiên không thể ngăn ngừa một số loại virus gây tiêu chảy như norovirus, clostridium difficile.

Chú ý chế độ dinh dưỡng

Bác sĩ Nga cho biết lượng khách thường gia tăng đột biến vào dịp nghỉ lễ khiến nhiều khu du lịch quá tải. Giờ giấc ăn uống, sinh hoạt thay đổi khi du lịch, ẩm thực vùng miền có cách chế biến, gia vị, khẩu vị khác nhau... dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa.

Phụ huynh nên chủ động chuẩn bị sữa và đồ ăn dinh dưỡng cho trẻ. Ưu tiên ăn chín, uống nước đun sôi hoặc nước đóng chai có kiểm định chất lượng, ăn đúng giờ, đủ bữa. Thực đơn vẫn nên đảm bảo cân bằng nhóm chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất như thường ngày. Những chuyến đi dài dễ khiến trẻ mệt mỏi do say tàu xe, do đó phụ huynh nên chọn những thực phẩm dễ tiêu hóa như trái cây, bánh mì.

Hạn chế cho trẻ ăn đồ quá cay, quá ngọt, nhiều đạm như hải sản hoặc nhiều dầu mỡ do có thể gây khó tiêu. Đồ uống, thực phẩm đã qua chế biến nên lựa chọn cơ sở sản xuất có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bánh mì dễ tiêu hóa, giúp trẻ giảm nôn nao do say tàu xe khi đi du lịch. Ảnh: Hải Âu

Khuyến khích trẻ uống nhiều nước để tránh mất nước, dễ táo bón, đầy bụng, ưu tiên nước lọc, sữa, nước dừa, nước ép trái cây, rau củ thay vì nước ngọt, nước có gas. Bé hạn chế kem, nước đá lạnh vì khiến mạch máu co thắt đột ngột, khô lớp nhầy bảo vệ niêm mạc hô hấp, tổn thương niêm mạc họng.

Bổ sung thêm lợi khuẩn từ sữa chua giúp cân bằng vi sinh đường ruột, kích thích cơ thể tăng sản sinh kháng thể miễn dịch chống lại tác nhân gây hại từ môi trường.

Mang theo thuốc dự phòng

Thay đổi môi trường sống, điều kiện sinh hoạt, lịch trình di chuyển liên tục, nhịp sinh hoạt đảo lộn... có thể khiến bé bị rối loạn giấc ngủ, chán ăn, dễ mắc bệnh do cơ thể chưa kịp thích nghi. Phụ huynh nên chuẩn bị sẵn các loại thuốc thiết yếu như hạ sốt, chống say tàu xe, thuốc nhỏ mắt, thuốc xịt mũi họng, oresol, oxy già, sát trùng, băng dán urgo, thuốc trị côn trùng cắn, dầu gió, men tiêu hóa... Trẻ có bệnh nền như hen suyễn cần mang theo thuốc đang điều trị theo đơn của bác sĩ.

Bác sĩ Nga khuyên phụ huynh nên tìm hiểu kỹ vấn đề chăm sóc y tế tại địa phương để chủ động xử lý nếu xảy ra tình huống ốm đau hoặc tai nạn thương tích. Trẻ ngủ đủ giấc, tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch vaccine cúm, bạch hầu, ho gà, thủy đậu, sởi, phế cầu... giúp phòng bệnh.

Trịnh Mai

Tin liên quan
Tin Nổi bật