Ung thư trực tràng có chữa khỏi không?

10/09/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Sức Khỏe Ung Thư
Ung thư trực tràng có chữa khỏi không?

Trả lời:

Trực tràng là đoạn cuối cùng của ruột già, kết nối khung ruột già với ống hậu môn. Ung thư trực tràng xảy ra khi các tế bào trong lớp niêm mạc của trực tràng phát triển ngoài tầm kiểm soát, từ đó hình thành khối u ác tính.

Theo thống kê của Globocan năm 2022 tại Việt Nam, ung thư trực tràng đứng thứ 4 trong những loại ung thư thường gặp. Ung thư trực tràng giai đoạn hai được xác định khi ung thư đã phát triển qua lớp niêm mạc và lớp dưới niêm mạc của trực tràng. Ung thư có thể xâm lấn xuyên qua mạc treo trực tràng vào các cơ quan xung quanh nhưng chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận và chưa di căn xa.

Theo báo cáo tổng hợp từ cơ sở dữ liệu theo dõi người bệnh ung thư (SEER) của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ (National Cancer Institute - NCI) giai đoạn 2014-2020, tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở người bệnh ung thư trực tràng giai đoạn hai là trên 73%. Như vậy, ung thư trực tràng được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có tỷ lệ chữa khỏi khá cao. Tuy nhiên, tiên lượng sống của người bệnh ung thư trực tràng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tuổi tác, tình trạng sức khỏe, tinh thần, khả năng đáp ứng điều trị, bệnh lý khác đi kèm... Bạn được chẩn đoán ung thư giai đoạn hai, cần điều trị và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.

Ung thư trực tràng ở giai đoạn hai thường có các triệu chứng như phân lẫn máu hoặc đàm, nhớt, thay đổi thói quen đi tiêu (đi tiêu lắt nhắt, táo bón, tiêu chảy), sụt cân không rõ lý do, đau bụng, khó chịu vùng bụng dưới... Khi gặp các triệu chứng này, người bệnh nên đến chuyên khoa Ung bướu để được bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp nhất. Các phương pháp điều trị ung thư trực tràng giai đoạn hai phổ biến là kết hợp các phương pháp phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.

Nhân viên y tế chăm sóc người bệnh tại khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp

Trong chế độ ăn hàng ngày, mọi người nên ăn uống đa dạng và đầy đủ các nhóm thực phẩm thiết yếu như rau, trái cây, sữa, vitamin, khoáng chất... Tránh các món chứa nhiều dầu mỡ, đồ nướng, rượu, bia, thuốc lá... giúp giảm nguy cơ ung thư trực tràng. Suy nghĩ tích cực, thay đổi lối sống khoa học, duy trì thói quen tốt, giữ đời sống tinh thần ổn định còn góp phần lớn trong việc nâng cao hiệu quả điều trị bệnh này.

BS.CKI Nguyễn Chí ThanhKhoa Ung Bướu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật